Lượt xem: 4724

Gia đình - cái nôi quan trọng để hình thành nhân cách

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng để hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    Ngày 04-4-2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về việc chọn ngày 28-6 hằng năm là ngày Gia đình Việt Nam. Ngày Gia đình Việt Nam được tổ chức thống nhất trong toàn quốc. Hằng năm, vấn đề gia đình đặt ra được coi trọng và nhấn mạnh, nhắc nhở các bậc cha, mẹ, con cái và mọi người hãy quan tâm hơn nữa đến gia đình.

    Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”.


Tranh cổ động tuyên truyền về Ngày Gia đình Việt Nam

    Ngày 10-10-1959, nói chuyện tại Hội nghị dự thảo “Luật hôn nhân và gia đình”, Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm sự: “Có người nghĩ rằng Bác không có gia đình, chắc không hiểu gì mấy về vấn đề này. Bác tuy không có gia đình riêng, nhưng Bác có một đại gia đình rất lớn, đó là giai cấp công nhân toàn thế giới, là nhân dân Việt Nam. Từ gia đình lớn đó, Bác có thể suy đoán được gia đình nhỏ... Nói phụ nữ là phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người... Mong các cô các chú cố gắng, bền gan, hiểu rõ và làm tốt. Nhất là phải thận trọng vì luật này quan hệ đến tương lai của gia đình, của xã hội, của giống nòi”.

    Trước đây cũng như hiện nay, gia đình luôn kết hợp hoạt động toàn diện và bằng nhiều cách với xã hội. Điều này có liên quan trước hết tới chức năng giáo dục của gia đình vì gia đình là một yếu tố của xã hội.

    Xuất phát từ yêu cầu của hoạt động giáo dục, gia đình trước đây và hiện nay lúc nào cũng là một khâu không thể thay thế được, trong đó con người có những mối quan hệ sớm nhất trong cuộc đời của mình và những quan hệ thầm kín nhất, cho nên gia đình là bình diện không gì thay thế được để hình thành những cơ sở của nhân cách.

    Cách đây 15 năm, ngày 21-02-2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chỉ thị nêu rõ: Mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá là ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng chỉ một hoặc hai con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.


Tranh vẽ khung cảnh gia đình trang trí và chuẩn bị đồ dùng, đồ ăn cho dịp Tết

    Xác định công tác xây dựng gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Thời gian qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể thường xuyên chỉ đạo thực hiện công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới; các ban, ngành, đoàn thể đã đi sâu vận động, giáo dục các gia đình tích cực thực hiện nếp sống văn minh, thực hiện đầy đủ các quy định của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, vận động xây dựng gia đình văn hoá, gia đình, dòng họ hiếu học. Đội ngũ cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm gương mẫu, chăm lo xây dựng gia đình và tích cực vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ.

    Công tác giáo dục đời sống gia đình được thực hiện thường xuyên, đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức đã góp phần giáo dục, kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu văn hoá hằng năm đều tăng. Nhiều mô hình gia đình tiên tiến xuất hiện như: Gia đình nông dân sản xuất khẳng định giỏi; gia đình cựu chiến binh gương mẫu; gia đình nền nếp gia phong; gia đình trẻ hạnh phúc...

    Công tác xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình được thực hiện hiệu quả, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên khá giả. Đời sống vật chất và tinh thần của mỗi gia đình ngày càng được cải thiện. Từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình và tạo điều kiện để gia đình chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi, ổn định cuộc sống.

    Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên, nhường dưới, độ lượng, bao dung bị sa sút. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử, không đăng ký kết hôn, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em xảy ra có diễn biến phức tạp...

    Cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, mặt trái của cơ chế thị trường đã có những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số thành viên trong gia đình, các giá trị văn hoá truyền thống đang bị xem nhẹ. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình gia đình mới như: Hộ gia đình kết hôn đồng giới, hộ gia đình làm cha/mẹ đơn thân, hộ gia đình đơn thân... Bạo lực gia đình và bất bình đẳng giới trong gia đình có diễn biến phức tạp và là tác nhân chính gây phá vỡ hạnh phúc gia đình. Số hộ gia đình ngày một tăng nhưng thành viên hộ gia đình ngày một giảm. Bên cạnh đó, vấn đề lao động và việc làm đối với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là các thành viên trẻ đang gặp nhiều khó khăn, đặt ra những thách thức không ít hộ gia đình.

    Thời gian tới, đòi hỏi tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư, gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” mà nòng cốt là xây dựng gia đình văn hoá,...; triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 29-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04-6-2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó:“Đề cao vai trò, trách nhiệm và các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh thiếu nhi, cùng với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng và kỹ năng ứng xử xã hội văn minh”; tăng cường đổi mới nội dung và hình thức công tác truyền thông, giáo dục vận động nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của gia đình; nâng cao chất lượng của các danh hiệu gia đình văn hoá bảo đảm công khai, dân chủ, không chạy theo hình thức; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; chương trình phòng, chống tệ nạn xã hội; giải quyết việc làm cho người lao động, đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình...

    Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, chúng ta mong muốn có những gia đình đầm ấm, hòa thuận. Bởi, gia đình là cái nôi quan trọng để hình thành nhân cách, nơi ẩn náu của sự yên ổn, sự kính trọng và đong đầy tình yêu thương.

Quốc Hùng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 6168
  • Trong tuần: 76,875
  • Tất cả: 11,800,195